Cày ải đất – Lợi ích trong sản xuất lúa
Từ xa xưa cha ông ta đã đúc kết những kinh nghiệm sản xuất qua những câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ, đặc biệt trong sản xuất nông nghiệp, những đúc kết đó vẫn còn nguyên giá trị đến tận ngày nay. “Một hòn đất nỏ bằng một giỏ phân”, “Ải thâm không bằng dầm ngấu”, cho thấy việc làm đất ải là rất quan trọng trong sản xuất lúa.
Vậy làm ải đất là gì?
Làm ải: Là cày lật đất phơi khô, phơi càng khô càng tốt (người ta gọi là ải nỏ).
Tác dụng của việc làm ải?
Việc thâm canh 2 vụ lúa nước trong năm (vụ đông xuân và vụ mùa) với đặc điểm luôn có đủ nước cho cây lúa sinh trưởng và phát triển đã làm cho đồng ruộng liên tục bị ngập nước sinh ra yếm khí. Hệ sinh vật hảo khí có lợi cho cây trồng hoạt động kém đi. Hơn nữa, đất ngập nước lâu ngày sẽ tồn tại trong đó một số chất khí có hại cho cây trồng như: H2S (axit sunfurua), CH4 (mê tan) và chỉ thực hiện cày ải, làm đất ải, để ải nỏ thì các chất khí này mới thoát ra bay vào không trung. Làm đất ải, để ải nỏ sẽ tạo điều kiện cho hệ sinh vật hảo khí hoạt động mạnh lên, làm cho đất tơi xốp, thông thoáng, nhờ đó mà rễ cây trồng hấp thụ tốt hơn các chất dinh dưỡng có trong đất; khắc phục được bệnh nghẹt rễ lúa.
Cày ải, làm đất ải còn có tác dụng diệt cỏ dại và các mầm mống sâu bệnh còn lưu trú, tồn dư trên đồng ruộng, ngăn chặn chúng xuất hiện gây hại ở vụ sau. Đối với bệnh lùn sọc đen, lùn xoắn lá, cày ải tuy không diệt được mầm bệnh, nhưng lại diệt được ký chủ phụ của bệnh (cỏ dại); đồng thời hạn chế sự tồn tại, sinh trưởng và phát triển côn trùng (rầy nâu, rầy lưng trắng-môi giới truyền bệnh lùn sọc đen, lùn xoắn lá và cũng là tác nhân trực tiếp phá hoại lúa)…
Làm như thế nào cho đạt hiệu quả cao?
Thời gian kết thúc vụ mùa vào khoảng tháng cuối tháng 10, đầu tháng 11, một số diện tích được trồng cây vụ đông; còn đa số đất lưu không chuẩn bị cho gieo trồng vụ chiêm xuân, những diện tích này cần được làm ải. Sang tháng 12, thời tiết đã chuyển sang hanh khô, bà con cần làm ải sớm để đạt hiệu quả cao.
Yêu cầu của làm đất ải:
– Cày ải đất bằng máy với độ sâu từ 15-20cm, đất cày ải phải lật úp thành luống, ải phải nỏ mới có tác dụng
– Thời gian phơi ải tối thiểu 15-20 ngày. Trong thời gian đó, có thể cày thưa, cày đảo lại một lần nữa để phơi ải tốt hơn.
– Những diện tích đang trồng cây vụ đông thì sau khi thu hoạch xong, tiến hành cày ải đất luôn. Những vùng trũng, thường xuyên ngập nước thì thực hiện làm dầm, cày bừa sớm, ngâm dầm ngấu.
Tin bài: Thu Hà – PKT tổng hợp